Vùng đất Khánh Hoà được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lâm sản quý như gỗ trắc, sao, huỳnh đàn, giáng hương, gỗ mun… và nổi bật, quý hiếm nhất chính là Trầm hương.

Trầm hương có ở các nước Nam Á và Đông Nam Á và cũng như có tại một vài khu vực ở rừng Việt Nam, nhưng do các điều kiện đặc biệt của địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, Trầm Hương ở rừng núi Khánh Hoà có những ưu điểm vượt trội so với tất cả các loại Trầm hương khác, ngay cả khi xét rộng trong phạm vi toàn thế giới.

Không biết tự bao giờ ca dao dân gian người Việt đã có câu

“ Khánh Hoà là xứ Trầm Hương.

Non cao biển rộng người thương đi về.”


nhưng chắc hẳn nó xuất hiện sau khi những giá trị của Trầm hương của vùng đất này đã được khai phá và sử dụng rất lâu đời dưới thời các triều đại Chămpa cổ xưa.

 

Ngược dòng lịch sử, vương quốc Chămpa với bản sắc văn hoá, tín ngưỡng độc đáo được ghi nhận trong các sử liệu cổ đã giúp chúng ta biết khá rõ về nhiều sản vật địa phương, trong đó có Trầm hương. 

Như khi viết về nước Lâm Ấp vào đầu thế kỷ VII, Lương thư (quyển 54), Liệt truyện (quyển 48), Chư Di - Hải Nam có đoạn nói về một quốc gia có tên là Tây Quốc Di: “Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam đời Hán…Biên giới phía nam đi đường thuỷ bộ hơn 200 dặm có Tây Quốc Di cũng xưng Vương…Nước đó có núi vàng…Lại sản xuất đồi mồi, vỏ bối, ngà voi, cát bối, hương gỗ trầm…Gỗ trầm, thổ nhân đẵn ra, để cất hàng năm, mục nát nhưng lõi ruột vẫn còn, bỏ vào nước thì chìm, nên gọi là trầm hương, thứ nữa là loại không chìm không nổi gọi là sạn hương….

Tây Quốc Di sau này thuộc đất Chiêm Thành, chính là vùng đất Khánh Hoà ngày nay.

Về điều này, Đại Nam nhất thống chí, khi viết về lịch sử của tỉnh Khánh Hoà, có nhắc tới việc vùng đất vốn là “Khiếu ngoại quốc” này (hay Tây Quốc Di) “sau bị Chiêm Thành gồm chiếm, sau là đất Chiêm Thành”.

Các sử liệu cổ Trung Quốc còn cho biết, ngay từ thế kỷ III sau Công nguyên, trầm hương của Chămpa đã đựoc người Trung quốc, Đại Việt biết đến và luôn được ghi chép là cống vật của người Chămpa.

Các bia ký cổ của Chămpa ở khu vực đền Pô Nagar (Tháp bà ở Nha Trang, Khánh Hoà) cũng không ít lần nói đến việc các vị vua dâng cúng các đồ vật quý cho các thần. Và trong các đồ vật quý đó, thường hay có các bình bằng vàng để đốt trầm hương.

Như trong bài bia ký của vua Rudravaman III, khắc năm 986 saka (1054), có nói tới một trong những đồ vật yêu quý mà nhà vua dâng cúng cho ngôi đền là một chiếc bình bằng vàng để đốt trầm.

“ Ngài (Vua Rudravaman III ) còn dâng cúng Thần chiếc hộp đựng trầu bằng vàng hình chòm sao Purvvasadha nặng 5 kattika và 3 pana, một chiếc bình để đốt trầm bằng vàng nặng 1 kattika và 2 pana, một chiếc bình bằng bạc của Cambodge nặng 5 kattika và 10pana, một chiếc ô vàng nặng 7 pana.”

 

Một đoạn văn tự Chămpa trên bia Po Nagar, 965 sau CN

Một bài cúng tế cổ xưa của người Chămpa dâng lên Pô Inư Nagar – Nữ thần Mẹ của xứ Kauthara (nay là tỉnh Khánh Hoà) cũng được ghi nhận lại bởi Cabaton Antoine (1863 -1942), triết gia & nhà nghiên cứu người Pháp, như sau :

” Ngày xưa, thần Inư Nưgar sinh ra đất, gỗ trầm, lúa gạo. Gỗ trầm, gỗ kỳ nam từ Yan Inư Nưgar mà phát hương thơm toả ra. Không gian bao quanh, từ Yan Inư Nagar, nức hương thơm của lúa…”.

 

 " LOẠI TRẦM HƯƠNG TỐT NHẤT " 

 

Với rất nhiều giá trị đóng góp nổi bật và đa dạng trong đời sống tâm linh, văn hoá, nghệ thuật, y học... việc trao đổi mua bán trầm hương như một trong những sản vật quý hiếm đã được ghi nhận từ rất sớm với nhiều hoạt động sôi nổi từ Á sang Âu, trong rất nhiều lĩnh vực thương mại, ngoại giao, chính trị ...

Không chỉ người Chămpa mà sử sách còn cho biết người Việt thời xưa cũng dùng trầm hương buôn bán với người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Thế nhưng, cũng các sử liệu trên cho biết, trầm hương mà người Việt có được là từ Chămpa. Ví dụ, khi chép về việc giao thương buôn bán giữa các thương nhân Trung Quốc thời nhà Tống, sách Lĩnh Ngoại đại đáp cho biết hàng của Giao Chỉ đến Khâm Châu đem bán có bạc, đồng, trầm hương, quang hương, ngà voi, sừng tê…Cũng sách trên chép, trầm hương bán sang Trung Quốc đều là trầm của Chămpa. Dựa vào các nguồn sử liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc buôn bán trầm hương này đã được bắt đầu được đẩy mạnh về tính chất và quy mô từ thời Lý.

Trầm hương từ Indonexia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia ... cũng được các thương nhân và người dùng chọn lựa nhưng đích đến của các thương thuyền từ Đông sang Tây vẫn là vương quốc Chămpa xưa - Khánh Hoà ngày nay.

Từ thời điểm đó, Trầm hương Chămpa, sau này là Việt Nam đã là tiêu chuẩn để đánh giá, so sánh, phân loại đối với tất cả trầm hương trên toàn thế giới.

Các thư tịch, tài liệu cổ quốc tế đều ghi nhận việc nhận xét, đánh giá và đưa ra các tiêu chí phân loại của trầm hương trên thế giới đều dựa trên căn bản lấy trầm hương Việt Nam làm chuẩn mực.

 

Marco Polo , nhà thám hiểm vĩ đại người Ý đã dành những lời nhận xét xác đáng nhất dành cho Trầm Hương Việt Nam. 

 

Tomé Pires (1465?–1524 hoặc 1540 ) , dược sư & nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, trong cuốn sách được xem là mang tính bước ngoặt của thương mại  Châu Á – Đông Suma, từ Biển Đỏ đến Trung Quốc ( Summa of the East, from the Red Sea up to the Chinese) đã ghi nhận việc buôn bán trầm hương từ Chămpa đến các quốc gia khác  “Trong các mặt hàng của Chămpa, quan trọng nhất là kalambak. Đây là loại trầm hương thực sự, là loại trầm hương tốt nhất trong các loại trầm….Loại Kalambak chất lượng tốt nhất là ở Chămpa…” 


Đầu thế kỷ XVII, dựa vào các nguồn tài liệu Trung Quốc trước đó, Trịnh Bản Kiều, nhà thư hoạ chính thức của Vua Càn long, đã làm một bản danh sách những sản vật của Chămpa phục vụ cho như cầu giao thương, ngoại giao gồm: “Vàng, bạc, thiếc, sắt, ngọc trai, hổ phách, sừng tê, ngà voi, mai rùa, trầm hương, gỗ đàn hương, long não, xạ hương, đinh hương, gỗ mun, tổ yến, gạo, hạt tiêu, cau, dừa, mít, nhục đậu khấu, tê giác, voi, vượn, khỉ trắng, voi trắng, vải bông trắng, chiếu lá cọ, sáp ong vàng, lưu huỳnh, gỗ vang…”

Nhật Bản là đất nước có tình yêu đặc biệt với Trầm hương. Mặc dù là một vùng đất không có Trầm hương, nhưng điều đó không ngăn cản được Văn hoá Trầm hương phát triển rực rỡ và sâu rộng tại xứ sở Mặt trời mọc.

Theo Hương Đạo Nhật bản, mùi trầm hương từ đó được phân loại thành “ngũ vị lục quốc” (五味六国, tức là “năm mùi vị và sáu nước”) . Năm mùi vị là ngọt, chua, cay, mặn, và đắng. “Sáu nước” nói nôm na là sáu nơi sản xuất trầm hương; đó là Kyara, Rakoku, Manaban, Manaka, Sasora and Sumatora. Theo cách phân chia của những người sành điệu trầm hương do Shôgun Ashikaga Yoshimasa (1436-1490) bổ nhiệm, ở cấp độ cao nhất chính là Kyara (伽羅 Già la) , chữ kara có gốc là tiếng Phạn, nghĩa là “đen”. Loại tốt nhất trong trầm hương, có mùi hương tao nhã. Chỉ có ở Việt Nam.

 

 

Tại Việt Nam, vùng đất Khánh Hoà - trái tim của Xứ Trầm hương Chămpa cổ xưa đã được Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) khẳng định là nơi cung cấp trầm hương chất lượng vượt trội nhất trong Phủ biên tạp lục (viết năm 1776) như sau: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh là thứ tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai. Hương ấy là do ruột của cây dó kết thành."

Bình Khang và Diên Khánh nay thuộc Tỉnh Khánh Hoà.

 

Thời kỳ cận đại và hiện đại, nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Châu âu đều biết đến và có những đánh giá rất cao về các loại trầm hương có nguồn gốc từ Việt Nam.

Trong nhiều sách của nứoc ngoài, trầm hương Việt Nam đựoc xem là tốt nhất. Thậm chí, vị giáo sĩ Đắc Lộ (Alexander de Rhodes) còn nhấn mạnh rằng “chỉ Việt Nam mới có kỳ nam”.

Gần đây, vào năm 2003, tại cuộc Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về trầm hương được tổ chức ngày 10-15/11 tại TPHCM, Việt Nam, một lần nữa các nhà khoa học đã đưa ra lời khẳng định: “Trầm hương của Việt Nam là tốt nhất, được mua với giá cao nhất, sản lượng trầm trên thế giới bị phụ thuộc vào Việt Nam và Việt Nam được xem không chỉ là vương quốc của trầm hương trong quá khứ mà còn là nguồn trông cậy của thế giới hiện nay và trong tương lai, bởi trầm là loại dược liệu và cả hương liệu thặng hạng không có gì thay thế”.    

 

Tim hiểu các tài liệu lịch sử và các nghiên cứu cho biết, Trầm hương đã xuất hiện rộng khắp trong rất nhiều các hoạt động có giá trị của người xưa từ tâm linh, tín ngưỡng đến văn hoá , chính trị, nghệ thuật, y dược học ....

Vương quốc Chămpa xưa là nơi có nhiều trầm hương và trầm hương của Chămpa đã nổi tiếng trên thị trường quốc tế từ rất sớm.

Sử liệu còn cho biết về một nơi có loại trầm hương tốt nhất của Chămpa là vùng đất Khánh Hoà ngày nay.


 

 
Tin tức khác